Bách PHAN-TẤT [ɓaː˧˥k̟ faːn tə˧˥t]

Viết học thuật

Bản thân mình chưa bao giờ là người viết giỏi. Thi văn cấp 3 được 5.5 và văn đại học được 3.5 (đứng nhất Chuyên Sư Phạm năm đó). Lên đại học thì toàn chép văn mẫu, luận văn cuối khoá cũng toàn số liệu là chính nên chả viết lách gì.

Tiếng Anh cũng chả khá hơn. Hồi trước khi thi ai eo, mình có đưa bài cho bạn mình ngó qua và nhận được phản hồi là bài sắp xếp ý tốt nhưng hơi “khô”, chắc được 7.0 và kết quả là được 7.0 viết thật.

Sau khi sang Anh, đột nhiên mình thích viết hơn. Cách mình viết cũng rất trơn tru; bài tập 3000 chữ thì cũng chỉ 3 ngày là xong, trích nguồn đầy đủ, trình bày rõ ràng. Sau khi ngẫm lại thì mình đã hiểu được tại sao mình lại quay ngoắt 180 độ như thế.

“Đọc”

Hồi ở Việt Nam mình lười đọc bỏ mẹ; 1 cuốn sách chắc mất 3 tháng. Việc ít đọc khiến cho cách vận dụng ngôn từ của mình kém đi. Hậu quả là văn viết rất khô và cứng. Sang đến đây thì cứ tà tà 2 tuần/ cuốn. Đọc đủ các thể loại sách, văn phong khác nhau. Dần dần mình tự ngấm lối hành văn của các tác giả và nó phản ánh qua cách mình viết. Nhiều lúc đọc lại bài mình không hiểu sao mình lại viết được một cách tự nhiên như thế.

“Động lực”

Hồi ở Việt Nam mình không có động lực và nhu cầu viết (như đã đề cập ở trên). Viết Ai Eo lại là 1 cái gì đó nó khá … nhảm nhí đối với bản thân mình. 250 từ trong 40 phút để thảo luận về việc di cư lên sao hoả ??? Thà ra hàng nước tán phét với các cụ còn vui hơn. Sang đây thì có động lực hơn vì mình thích viết (vì mình thích cái mình học) và mình cần phải viết (để có điểm).

Và mình cũng nhận ra rằng văn “h0k tHu@t” nó không khô cứng và chán như mình từng nghĩ.

Cái hay của văn học thuật nó không nằm ở việc cố gắng nhồi thật nhiều cụm danh từ để rồi một câu dài nửa trang giấy hay ở việc nhồi các từ “hiếm”, “khó” để rồi người đọc phải kèm thêm cuốn từ điển hay ở việc nói những ý tưởng trên trời để rồi người đọc phải tra google.

Cái hay của nó nằm ở tư duy, cách liên kết ý tưởng (mạch lập luận), khả năng bắt thóp người đọc (để không bị bắt bẻ), khả năng sử dụng ngôn từ linh hoạt (vẫn gọn gàng nhưng không khô cứng hay khó hiểu). Trong đống này, khả năng sử dụng ngôn từ linh hoạt chắc là thứ khó đào tạo nhất vì nó đòi hỏi ở người viết rất nhiều thứ (kiến thức ngành, kiến thức ngôn ngữ, tư duy dùng từ, vv).

Những tác giả mình đọc đều dùng từ rất dễ hiểu, đa dạng, có dễ có khó nhưng không đến mức phải đọc kèm từ điển. Họ có thể trình bày ý một cách rất “khoa học”, “khô khan” ở đoạn trước và rồi tóm gọn lại một cách rất “đơn giản” ở đoạn sau. Họ không ngần ngại đưa ra các kết luận mạnh - sử dụng các từ mạnh (nhưng vẫn thừa nhận các khiếm khuyết). Những điều trên cũng thể hiện sự tự tin về mặt kiến thức và lập luận.

Khiếu hài hước và khả năng tạo liên kết với người đọc cũng là thứ nên được nhắc đến. Họ rất thoải mái trong việc sử dụng các cụm từ “xuồng xã”, “thân mật” hay trong việc xưng hô “tôi”, “bạn” - điều mà nhiều giáo viên Ai Eo kịch liệt phản đối vì nó là thứ “không h0k tHu@t”. Họ cũng rất vô tư trong việc đá xoáy, móc mỉa ý kiến trái chiều (nhưng vẫn lịch sự và khoa học). Sự thâm nho của họ khiến mình nhiều lúc vừa đọc vừa cười.

Về cơ bản, cách họ hành văn giống cách mình viết cái bài này.

Lời khuyên: Bạn hãy viết sao cho vài năm sau, khi đọc lại, bạn vẫn phải vô đùi đen đét vì hay chứ đừng viết để rồi phải ôm đầu khóc thét vì không hiểu viết cái gì.

Illustration