Bách PHAN-TẤT [ɓaː˧˥k̟ faːn tə˧˥t]

Trọc hay không trọc

Bài viết nói về chuyện “trọc phú” tri thức.

Chuyện 1:

Hồi còn ở ngành thể thao, mình thấy rất nhiều người, dù chỉ là huấn luyện viên cá nhân (với vài cái chứng chỉ con con) nhưng dạy khách hàng đủ thứ (phục hồi chức năng, chữa bệnh, vv). Kết quả là chả có kết quả mẹ gì và lại phải nhờ những người có chuyên môn giải quyết hộ.

Trọc hay không trọc không quan trọng. Quan trọng là biết mình trọc hay không trọc.

Chuyện 2:

Vì tự học xác suất thống kê nên mình phải hỏi bài một bạn chuyên ngành AI. Dù được đào tạo tương đối bài bản về xstk nhưng bạn đó không trả lời được kha khá câu hỏi của mình (chắc vì mình hỏi lí thuyết quá). Thay vì chống chế bằng những cái sai, bạn đó bảo mình tìm hiểu nguồn khác rồi về thảo luận. Kết quả là cả hai đều học được thêm.

Trọc hay không trọc không quan trọng. Quan trọng là có muốn mọc tóc hay không.

Chuyện 3:

Điều mà mình cải thiện nhất từ sang Anh học là cách học. Nhờ thế nên mình tự học cả ngành chính lẫn những cái khác cũng khá dễ dàng, không bị lạc trong ma trận kiến thức như ngày xưa.

Trọc hay không trọc không quan trọng. Quan trọng là biết dùng tinh dầu bưởi để mọc tóc (và lông).

Chuyện 4:

Ngày xưa mình đọc rất nhiều thứ (triết học, tập luyện, dinh dưỡng, lịch sử, địa lý, vv) nhưng chả đọc được cái gì quá sâu. Kết quả là cái gì cũng biết nhưng chả biết cái gì. Sau này đọc tập trung hơn nên cả kiến thức lẫn tư duy đều cải thiện.

Đến khi làm bài và luận văn, phải tự ngồi mò mẫm, phản biện, mình mới nhận ra thêm nhiều thứ mà mình bỏ qua lúc đọc.

Đợt này mình học (không quá sâu) về các ngành khác (tâm lí học, khoa học thần kinh, hát, triết học, vũ trụ học, vv) vì 1) tò mò, 2) chúng phục vụ mục đích của mình, 3) chúng liên quan (trực tiếp hoặc gián tiếp) đến ngành chính (ngôn ngữ học). Vừa học vừa ngẫm nghĩ thì mình lại nhận ra thêm nhiều thứ nữa mà trước nay mình chưa nhận ra.

Trọc hay không trọc không quan trọng. Ai rồi cũng phải đổi kiểu tóc, quan trọng là đổi lúc nào và vì sao đổi.

Chốt:

Trăm nghe không bằng một thấy. Trăm thấy không bằng một sờ. Trăm sờ không bằng một thử. Bạn có thể lên mạng xem ảnh, video về các địa điểm du lịch, nhưng chỉ khi bạn đến nơi đó bạn mới cảm nhận được nó đẹp (hoặc xấu) đến nhường nào.

Bạn có thể mô tả màu đỏ bằng mọi cách bạn thích (1 trong 3 màu cơ bản, có bước sóng 640nm - 760nm, vv) cho một người khiếm thị, nhưng chỉ khi người đó hết khiếm thị, người đó mới thấy được màu đỏ.

Nếu bạn cảm thấy lấn cấn thì đừng lo, đây cũng là vấn đề mà các nhà khoa học, triết học tranh cãi bấy lâu nay.

(Từ khóa cho ai quan tâm: Tri thức luận)

Ngoài lề:

Sự trọc của mình xuất phát một phần từ việc cả 3 giáo sư nam của mình đều … trọc (hoặc sắp trọc). Một số biểu cảm của mình cũng bị ảnh hưởng bởi họ, ví dụ như khuôn mặt cái-đéo-gì-thế như trong ảnh.

Illustration