Thanh nhạc dưới góc độ khoa học
Hiện nay khá nhiều trang viết về thanh nhạc, tuy nhiên các bài viết chất lượng thì thực sự lại rất ít, chủ yếu là so sánh, bóc phốt . Bản thân mình KHÔNG PHẢI chuyên gia về thanh nhạc, tuy nhiên với vốn kiến thức tích cóp được từ việc học giải phẫu, tâm lí, tập luyện, lắng nghe cũng như đi học thanh nhạc và tự thử nghiệm trên bản thân thì mình nghĩ bài viết dưới đây sẽ giúp ích được nhiều người.
- Cơ quan và “vị trí” âm thanh
Cơ quan âm thanh quan trọng nhất của con người có lẽ là 2 dây thanh quản. Chúng có thể khép vào nhau khi chúng ta ăn uống (để tránh dị vật đi vào phổi), có thể mở ra khi hít thở và cũng có thể khép hờ để tạo ra âm thanh (chúng sẽ rung lên khi có hơi đi qua). Âm thanh sau đó sẽ được khuếch đại bởi các khoang ở trên, ví dụ như cổ họng (pharyngeal space), mồm (oral cavity), mũi (nasal cavity), vv. Trong số này, buồng rung mạnh nhất chính là cổ họng.
Vậy nên, vị trí tạo ra âm thanh duy nhất là dây thanh, hay cổ họng của bạn. Tuy nhiên, có nhiều người sẽ bảo rằng vị trí âm thanh có thể nằm ở ngực (chest voice), óc (head voice). Nên nhớ rằng thứ mà chúng ta cảm nhận có thể khác hẳn với những gì thực sự diễn ra trong cơ thể. Chest voice hay Head voice chỉ là cảm nhận của cơ thể chứ âm thanh không thể xuất phát từ đó. Tuy nhiên, để dễ hình dung, mình sẽ dung thuật ngữ chest voice và falsetto.
- Sâu hơn về dây thanh
Đầu tiên, hãy lấy 1 sợi dây chun. Nếu các bạn kéo căng nó ra và búng, tần số rung của nó sẽ cao hơn và âm thanh cũng sẽ cao hơn. Nếu các bạn chỉ kéo vừa vừa, tần số rung của nó sẽ thấp hơn và âm sẽ trầm hơn. (Vật Lí cấp 2).
Dây thanh cũng giống như vậy, chúng sẽ được các cơ ở vùng thanh quản và cổ kéo căng ra, để rồi luồng hơi ở dưới búng liên tục nhằm tạo ra rung động và âm thanh. Muốn tạo ra âm trầm, dây thanh cần được co ngắn lại, và nhóm cơ chính là việc này sẽ là Thyroarytenoid (TA). Muốn tạo ra âm cao, âm thanh cần được kéo dài ra, và nhóm cơ chính sẽ là Cricothyroid (CT) (Lưu ý là cấu trúc của nó còn phức tạp hơn rất nhiều). Vì TA và CT hoạt động ngược nhau nên có thể hiểu rằng dây thanh của chúng ta hoạt động theo cơ chế kéo – đẩy. Thằng A kéo thì thằng B phải nhả, và ngược lại. Việc luyện thanh nhằm giúp chúng ta kiểm soát các cơ bắp đó tốt hơn.
- Quãng giọng, cao độ và cường độ
Chúng ta thường sử dụng 2 loại giọng chính, chest voice và falsetto. Chest voice là khi cơ TA hoạt động mạnh, làm cho dây thanh ngắn, tạo ra âm thanh trầm hoặc trung. Falsetto là khi cơ CT hoạt động mạnh, kéo dài, làm mỏng dây thanh, tạo âm thanh rất cao và mỏng. Ở giữa 2 loại giọng này sẽ có một khoảng đứt gãy. Để cho những ai không học về thanh nhạc dễ hình dung, mình sẽ tạm gọi khoảng chest voice là (1 – 4), falsetto là (7 – 10) và khoảng gãy là (4 – 7)
Để giải thích cho khoảng đứt gãy này, hãy nhìn về cao độ (pitch) và cường độ (intensity).
Ở cùng 1 loại giọng, cao độ và cường độ tỷ lệ thuận với nhau. Các bạn có thể thử bằng cách lên dần nốt chỉ sử dụng chest voice, chắc chắn nốt cao hơn sẽ căng và lực hơn. Điều tương tự cũng sẽ xảy đến với falsetto. Túm gọn lại, ở chest voice, nốt 4 sẽ căng hơn nốt 1, ở falsetto, nốt 10 sẽ căng hơn nốt 7.
Tuy nhiên, điều thú vị là ở 2 loại giọng khác nhau, cường độ tương đối lại giống nhau. Nói cách khác, các bạn hát nốt 7 (falsetto) sẽ nhẹ như cách các bạn hát nốt 1 (chest voice).
Hiểu được cơ chế này, ta có thể thấy rằng điểm gãy xuất hiện bởi sự chênh lệch về cường độ. Cụ thể hơn, việc chuyển từ nốt 4 (chest voice, cường độ cực kì cao) lên nốt 7 (falsetto, cường độ thấp) sẽ tạo ra điểm gãy. Để dễ hình dung hơn, hãy tưởng tượng cảnh 2 bên đang kéo co (cường độ cao) và đột nhiên 1 bên thả tay ra (giảm cường độ đột ngột).
Nhiệm vụ của chúng ta là phải điều tiết cường độ, tức cân bằng lực giữa 2 nhóm cơ TA và CT để việc chuyển giọng được hiệu quả hơn.
- Belting, mixing, covering hay co-ordinating?
Nếu các bạn tìm hiểu về nhạc pop, chắc hẳn các bạn sẽ nghe đến những thuật ngữ như Belting hay Mixing.
Belting thực chất là high chest voice, tức các bạn đẩy chest voice từ nốt 4 lên đến tận nốt 6, 7. Kết quả là giọng có thể lên rất to, khỏe nhưng nghe rất căng, giống như đang hét (belting khác hét ở chỗ ca sĩ có sự kiểm soát tốt hơn, cả về cơ bắp và hơi thở).
Mixing (pha giọng) là một khái niệm rất dễ gây lú. Nhiều người bảo rằng mix là việc trộn lẫn giữa falsetto và chest để tạo ra âm thanh cân bằng hơn. Thế nhưng 2 nhóm cơ ngược nhau thì trộn như thế nào?
Covering (đóng tiếng) là một kĩ thuật biến đổi nguyên âm trong Opera. Về cơ bản, ca sĩ sẽ sử dụng high chest voice, tức đẩy chest voice lên rất cao. Tuy nhiên, để tránh việc giọng nghe như đang hét, họ sẽ biến đổi nguyên âm nhằm giảm bớt áp lực lên dây thanh, mở rộng khoảng vang ở cổ, từ đó làm âm thanh tối, đẹp hơn. Tuy nhiên, hậu quả là nguyên âm sẽ không còn được rõ.
Co-ordinating (phối hợp) có lẽ là kĩ thuật tốt nhất cho giọng hát của bạn. Như đã nói ở trên, vì thanh quản bị kéo bởi các nhóm cơ đối nhau, việc chúng ta cân bằng được lực giữa các cơ và cường độ ở mỗi loại giọng (đặc biệt quan trọng khi ở quãng chuyển). Hãy tưởng tượng lại cảnh kéo co, thay vì nhả đột ngột thì bây giờ chúng ta sẽ nhả từ từ để cân bằng lực. Đây mới đúng là bản chất của mixed voice.
Nếu các bạn nghe opera, các bạn sẽ thấy giọng của ca sĩ đều tăm tắp từ quãng trầm lên quãng cao. Đó là bởi họ có thể phối hợp nhịp nhàng, cân bằng giữa cao độ và cường độ. Các ca sĩ pop thường không làm được vậy nên 2 quãng chest và falsetto của họ khác hẳn nhau hoặc nếu làm được (nhưng không chính xác) thì giọng của họ yếu hơn rất nhiều so với bên opera.
- Vấn đề khi dạy và học thanh nhạc?
Nếu như đối với các cơ ở tay, chân, chúng ta có thể kiểm soát trục tiếp được thì với cổ họng, chúng ta lại không thể làm vậy (mình thách ai nghĩ và kiểm soát được đúng cơ TA hay cơ CT). Vậy nên trong quá trình dạy học, các giáo viên thường sẽ hạn chế sử dụng các thuật ngữ giải phẫu mà thay vào đó là tập trung vào cảm nhận, tưởng tượng, sử dụng hình ảnh so sánh, ẩn dụ. Việc hiểu một chút về giải phẫu cũng sẽ giúp các bạn cảm nhận rõ hơn ý muốn của giáo viên.