Bách PHAN-TẤT [ɓaː˧˥k̟ faːn tə˧˥t]

Mục tiêu và quá trình

Tuổi thơ của mình khá “êm đềm”. Từ khi sinh ra, mình đã “được” bao bọc quá mức cần thiết (over-protective). Mọi thứ như được vẽ sẵn cho mình, từ việc chọn trường, chọn lớp học hay đôi khi là cả … chọn bạn.

Cấp 1, mình đỗ vào Đoàn Thị Điểm, không phải lớp xịn nhất nhưng cũng không đến nỗi tệ. 2 năm đầu mình luôn đạt học sinh Xúc Xích, thầy khen bạn nể. Từ lớp 3 đổ đi là mọi thứ cứ tụt dần, dù kết quả cuối cùng không quá tệ. Sang cấp 2, mình vào Lê Quý Đôn, lớp thuộc dạng ổn, không có gì thay đổi. Mọi thứ đều rất tốt lúc đầu và tụt lại lúc sau, dù rằng tư duy mình vẫn thế, không hề ngu đi một chút nào. Cấp 3 thì vớt được vào lớp cận chuyên của Sư Phạm, mọi thứ vẫn không đổi, điểm số giảm dần từ 9 – 10 xuống còn 7 - 8. Đại học (Học viện Tài Chính) thì khỏi cần nói nhiều nữa. Từng có 1 kì mình chỉ được 1.9/4 với 4 môn phải học/ thi lại. Có thể thấy rằng cuộc đời của mình đi theo dạng “lên voi xuống chó”. Các giáo viên cũ của mình cũng có nhận xét tương tự, rằng “có tiềm năng nhưng thiếu sức bật”. Đến năm 20 tuổi, khi nhìn lại về cuộc đời, mình nhận ra vấn đề chính là việc mình không có “định hướng”. Sự thiếu định hướng đó khiến mình không có động lực duy trì, chỉ dừng lại ở mức “trả bài”. Sau nhiều lần thử khác nhau, mình cũng tìm ra được hướng đi của mình và vẫn đang tiếp tục theo đuổi nó, để đời không còn “xuống chó” nữa.

Mình cũng đã từng luôn có lối tư duy mục tiêu (result - oriented), rằng chỉ cần đỗ trường A, lớp B là cuộc đời sẽ lên tiên, nhưng hiện thực, như được nêu ở trên, thì lại trái ngược hoàn toàn. Sau này, kể cả khi đã tìm được “mục tiêu”, mình vẫn giữ lối tư duy đó. Mình đã nghĩ rằng một số thành tựu như: giải 3 cuộc thi nói Tiếng Anh tại HANU, IELTS 8.5 trong lần đầu tiên dù không ôn nhiều, xong một số cuốn sách hay khóa học, là đã “đủ” để chứng tỏ bản thân.

Chỉ đến khi sang đây đi học, quan điểm của mình mới thay đổi một cách rõ rệt, rằng “quá trình cũng quan trọng không kém”. Những thành tựu mình đạt được không tệ, tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở đó thì mình sẽ mãi thụt lùi (một cách tương đối). Việc học (thêm) về các chủ đề khác nhau cũng giúp mình nhìn ra được các kiến thức, vấn đề, góc nhìn khác cũng như “quá trình” hình thành nên chúng. Vì đa số các bài tập được thiết kế để “không có đáp án chuẩn” để giáo viên có thể vặn lại, mình có cơ hội để phản biện cũng như tự phản biện bản thân. Mặc dù điểm mình luôn là Distinction, mình vẫn không bằng lòng, luôn tự suy ngẫm, phản biện, hỏi han, tranh luận với giáo viên, bạn bè, thử nghiệm các lối tư duy, cách giải quyết mới. Nó giúp mình học thêm được những điều mới, hoặc đơn giản là “học lại” những điều cũ, những điều mà mình tưởng mình đã làm chủ rồi.

Những sự thay đổi về nhận thức kể trên giúp mình tìm ra những thứ như “hướng đi”, “bản sắc riêng” và “quá trình” để có thể tự viết tiếp cuộc đời của mình.

Trích một đoạn rất ý nghĩa:

“Đã có lúc tôi đau đớn, tôi gục ngã nhưng điều quan trọng nhất là tôi tìm thấy sức mạnh của nội tại và tôi chiến đấu vì nó. Ai trong chúng ta cũng sẽ có những cuộc chiến cá nhân nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta tin vào giá trị của bản thân. Đội vương miện cho chính mình, viết tiếp cuộc đời bằng hành trình nhiệt huyết, bản lĩnh cá nhân. Mỗi chúng ta là một chiến binh và hãy chiến đấu bằng giấc mơ của mình. Know your value, wear your crown, write your own story, it opens your warrior. Wear your crown, thank you.”

Illustration