Khoa học nửa vời
Bây giờ khi tranh luận trên mạng xã hội, nhiều người rất chuộng hỏi những câu như: “Bạn có số liệu cụ thể không?”, “Bạn có nghiên cứu nào không?”
Việc đọc các nghiên cứu khoa học rõ ràng một cách tiếp cận tri thức đúng. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở cách đọc và người đọc.
Khi tiếp cận một vấn đề, người đọc có kiến thức nền tảng không? Hay là thuộc dạng chỉ có kiến thức Vật Lý ngang học sinh phổ thông nhưng thích cãi nhau về thuyết Tương Đối của Einstein?
Khi chọn lọc tài liệu, người đọc có chọn các góc nhìn khác không hay chỉ chọn đúng cái nào ủng hộ quan điểm của họ? Nếu chỉ chọn một chiều thì trong thâm tâm họ đã khẳng định chắc nịch là mình đúng, mà thế thì chả cần phải đọc thêm làm gì.
Khi đọc nghiên cứu, người đọc có hiểu cấu trúc của chúng không? Có hiểu cách thiết kế thí nghiệm, cách diễn đạt kết quả không? Hay chỉ đọc mỗi 2 phần tóm tắt và kết luận? Nếu chỉ đọc như thế thì bài báo khoa học cũng không khác gì các mẩu tin ngắn trên báo mạng.
Nếu như không có kiến thức nền tảng, tư duy logic, phản biện, kĩ năng (đọc) nghiên cứu, việc đòi số liệu, nghiên cứu cụ thể giống như một cách để che lấp sự thiếu sót đó.