Bách PHAN-TẤT [ɓaː˧˥k̟ faːn tə˧˥t]

CHUYỆN KHÁM SỨC KHỎE

Bạn đi khám sức khỏe tổng quát. Một tuần sau nhận kết quả, bạn được chẩn đoán mắc ung thư âm đạo.

‘Bỏ mẹ rồi!’, bạn chửi thầm.

Bạn thầm nghĩ: ‘Cơ mà nhỡ thiết bị đểu thì sao?’. Ngay lập tức bạn lên Google và biết thiết bị có độ chính xác 99%.

Sau một hồi định thần, bạn nghĩ tiếp: ‘Cơ mà 99% này là kết quả thử nghiệm trên 1 tập nhỏ. Chưa kể ung thư âm đạo cũng rất hiếm gặp, tỷ lệ mắc chỉ có 1%. Nhỡ độ chính xác cao là bởi trên tập đó toàn người mắc thì sao?’

Bạn chợt nhớ đến công thức Bayes. Sau một hồi tra cứu và tính toán, bạn ra được công thức tính khả năng mắc bệnh nếu có kết quả dương tính là:
P(Bệnh | Dương tính) = P(Dương tính | Bệnh) * P(Bệnh) / P(Dương tính) = 0.99 * 0.01 / 0.0198 = 0.5

‘Ồ, thì ra khả năng mắc bệnh cũng chỉ là 50%. Chắc phải đi khám lại cho chắc.’ bạn thở phào. Nhưng rồi, bạn lại nhớ ra 1 việc. Bạn là nam thì làm quái gì có âm đạo mà mắc ung thư. ‘Sư cha đứa nào nhập sai kết quả.’

Hôm sau bạn nhận được email xin lỗi từ bệnh viện cùng với kết quả chuẩn. Lần này bạn được chẩn đoán mắc ung thư dương vật.

‘Bỏ mẹ rồi!’, bạn chửi thầm.