Bách PHAN-TẤT [ɓaː˧˥k̟ faːn tə˧˥t]

Đọc như thế nào

Năm học mới, thi thoảng lại có mấy người hỏi mình “làm sao để học”, “cách giải quyết khi sách dài và khó”, vv. Mình cũng chỉ biết khuyên họ là đổi sách. Lí do là sách đó chưa phù hợp với họ, hoặc họ chưa phù hợp với sách đó (cách nào lọt tai hơn thì chọn).

Dù có thông minh đến mấy thì cũng vẫn phải học từ cơ bản đến nâng cao. Nếu chưa kinh qua vật lí Newton thì bạn không thể nhảy lên thuyết tương đối của Einstein được, kể cả có là thần đồng. Ví dụ dễ hình dung hơn là học đi trước khi học chạy.

Theo như trải nghiệm và tìm hiểu của mình, các tài liệu tham khảo thường sẽ sắp sếp theo độ khó tăng dần như sau:

Sách giới thiệu -> Sách chuyên ngành hẹp -> Báo, nghiên cứu

• Sách giới thiệu thường là các sách mang tính tổng hợp, giới thiệu, nhằm giúp bạn có được cái nhìn tổng quát về ngành chứ không đi quá sâu vào chi tiết, các vấn đề hẹp.

• Sách chuyên ngành hẹp thường là về một mảng hẹp hơn của ngành đó.

• Các bài báo, nghiên cứu thường là về một vấn đề cụ thể và có thêm những thứ ngoài kiến thức ngành như phương pháp thiết kế nghiên cứu, xử lí số liệu.

Nếu bạn là một người mới chập chững vào ngành, chưa có kiến thức nền hay các phương pháp xử lí số liệu, mình không biết bạn sẽ đọc hiểu một bài báo nghiên cứu như thế nào? Đó là còn chưa kể phải dùng “tư ruy fản piện” để tìm ra lỗ hổng của bài báo đó.

Bản thân mình cũng phải kinh qua một đống thứ cơ bản trước khi có thể bay nhảy tung tang sang những thứ nâng cao hơn và làm được một cái luận văn hoàn chỉnh. Thậm chí hiện tại mình cũng đang phải tự học lại về sinh học, cấu trúc, chức năng não bộ để sang bên khoa học thần kinh chơi. Nói không điêu chứ cái đống kiến thức đủ các ngành (ngôn ngữ, tâm lí, não bộ, khoa học thần kinh, giải phẫu, triết học, hát hò, vv) mình học được trong 1 năm qua, nếu xét theo các chương trình chính quy thì chắc phải 3 năm hoặc hơn (tất nhiên vì tự học nên sẽ chất lượng sẽ không xịn như học ở trường, nhưng ít nhất thì mình cũng hiểu mình đang học cái gì và nên học cái gì).

Thứ giúp mình liên tục tích lũy kiến thức chỉ đơn giản là sự tò mò. Thấy hay thì đọc, đọc xong chưa thông lại đọc tiếp, đọc đến bao giờ hòm hòm thì thôi. Sự tò mò cũng chính là thứ giúp mình quẩy tưng bừng ở khóa Thạc Sĩ này một cách khá thong thả.

Chốt lại bằng 1 câu của Einstein: “Tôi không thông minh, tôi chỉ tò mò mà thôi.”

Illustration